VĂN HÓA ĐÓN NĂM MỚI TẠI ANH QUỐC
Cập nhật: 03-02-2021 09:43:59 | Du học Anh | Lượt xem: 1736
Cùng khám phá văn hóa đón năm mới tại Vương quốc Anh - một trong những điểm đến du học hàng đầu của các bạn học sinh sinh viên.
Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, năm mới cũng được coi là một dịp trọng đại và thiêng liêng để nói lời tạm biệt với một năm đã qua và đón chào một năm mới với nhiều niềm vui và sự khởi đầu mới. Chắc hẳn có đôi lúc chúng ta sẽ tò mò: Liệu cách đón chào năm mới ở các nước sẽ giống và khác gì so với việc chào đón năm mới ở Việt Nam?
Cùng nhau khám phá cách đón năm mới tại Vương quốc Anh - một trong những lựa chọn hàng đầu của các bạn học sinh sinh viên khi tìm kiếm cho mình một điểm đến du học. Vậy văn hóa đón năm mới ở Vương quốc Anh có điểm gì đặc biệt?
Cùng nhau hát vang bài ca “Auld Lang Syne”
Chắc hẳn khi giai đoạn của bài hát “Auld Lang Syne” vang lên, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng gần gũi và quen thuộc bởi đây là một trong những bài hát truyền thống của Vương quốc Anh, thường được đưa vào giảng dạy trong chương trình học tiếng Anh dành cho học sinh Việt Nam.
Auld Lang Syne bắt nguồn từ một điệu dân ca cổ của người Scotland. Năm 1788, Robert Burns - một đại thi hào của Scotland, sau khi nghe được một cụ già ngân nga điệu dân ca cổ ấy, đã sáng tác lời và phổ nhạc cho Auld Lang Syne. Bài hát gợi nhớ về những ngày xưa cũ, về tình bạn cũ, mang đến cho người nghe một cảm giác hoài niệm đến tha thiết. Auld Lang Syne sau đó được biểu diễn nhiều năm liền trên sóng truyền hình và đài phát thanh, kể từ đó trở thành một bài hát truyền thống trong dịp năm mới cho người dân, không chỉ Scotland mà trên toàn Vương quốc Anh.
Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người Anh sẽ tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben để nắm tay nhau và cùng hát vang bài hát Auld Lang Syne.
The First Footing – “Bước chân đầu tiên”
Vương quốc Anh cũng có một phong tục nghe “na ná” phong tục xông đất đầu năm của người Việt Nam. Theo quan niệm của người Anh, người đầu tiên bước chân vào nhà trong năm mới sẽ quyết định vận may của cả gia đình trong năm đó. Nếu người khách đầu tiên bước chân vào nhà là một người đàn ông tóc đen, hoặc người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì gia chủ sẽ có một năm đầy may mắn. Nếu người khách đầu tiên bước chân vào nhà là một cô gái tóc vàng, hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh thì gia chủ sẽ gặp nhiều khó khăn và tai họa trong năm mới. Người “xông đất” có thể cầm theo một đồng xu, cục than, mẩu bánh mì hay đồ uống như rượu whisky - những vật phẩm đại diện cho sự thịnh vượng và no đủ.
Thường thì người đầu tiên “xông đất” sẽ cần cời lửa ở bếp lửa của nhà chủ, chúc cả nhà “mở cửa gặp may”, sau đó mới nói chuyện hàn huyên và cùng nhau mở tiệc đón năm mới. Đến nửa đêm khi chuông nhà thờ ngân vang, họ sẽ cùng nhau chạm ly, nhảy múa, hát hò đón chào năm mới.
Phong tục Burning Bush
Burning Bush là một trong những phong tục đón năm mới truyền thống tại Vương quốc Anh. Phong tục này được bắt nguồn từ thế kỷ 19, phổ biến nhất ở hai hạt Radnorshire và Hertfordshire. Theo như phong tục này, người nông dân Anh sẽ thức dậy sớm một chút vào buổi sáng năm mới và mang một bụi táo gai tới cánh đồng. Họ sẽ đốt bụi táo gai này trong một bó rơm trên cánh đồng lúa mì trong làng. Người Anh cho rằng đây là một trong những phong tục mang đến sự may mắn cho việc làm nông.
Mừng tuổi bằng nhánh tầm gửi
Cây tầm gửi trong văn hóa Anh là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Do vậy, vào đầu năm mới người Anh sẽ tặng nhau những nhánh tầm gửi nhỏ xinh với hy vọng người được tặng sẽ có một năm mới may mắn, no đủ và tràn đầy hạnh phúc.
Đến với Trung tâm Ngoại ngữ và Du học PEC, các quý bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên sẽ nhận được sự trợ giúp nhiệt tình, tư vấn tận tâm, chuyên nghiệp từ các chuyên gia tư vấn du học.
Tỷ lệ visa thành công cao!
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ Trung tâm Ngoại ngữ và Du học PEC:
Địa chỉ: Số 45 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng.
ĐT: 0225.3640.690
Hotline: 0869.899.368
Email: duhoc@pec-edu.vn